Những năm gần đây, blockchain và các ứng dụng của nó nổi lên như một xu thế công nghệ của tương lai. Một trong những tính năng độc đáo nhất mà blockchain sử hữu là tính phi tập trung. Các hoạt động bên trong mạng blockchain được chia sẻ cho tất cả các bên, do đó loại bỏ sự tham gia của người trung gian hoặc bên thứ ba. Tính năng này đặc biệt hữu ích vì nó giúp bạn tránh khỏi các xung đột trong các tiến trình cũng như tiết kiệm thời gian. Mặc dù blockchain còn có những vấn đề riêng chưa được giải quyết, tuy nhiên công nghệ này đã cung cấp các tùy chọn nhanh hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn so với các hệ thống truyền thống. Do đó, hiện tại ngay cả các ngân hàng và các tổ chức chính phủ đang chuyển sang blockchain.
Blockchain và smart contract
Công nghệ blockchain được chú ý tới nhờ sự ra đời của Bitcoin – loại tiền điện tử (cryptocurrency) đầu tiên và sau đó tạo ra cơn sốt trên toàn thế giới. Tuy nhiên blockchain không phải Bitcoin mà là công nghệ đứng đằng sau nó để xây dựng lên Bitcoin. Bên cạnh tiền điện tử, blockchain đã và đang được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là tài chính.
Tính đến thời điểm hiện tại thì hợp đồng thông minh có thể được coi là ứng dụng được sử dụng nhiều nhất của công nghệ blockchain.
Mặc dù ý tưởng về các hợp đồng thông minh đã xuất hiện từ rất lâu nhưng thế giới mà chúng ta đang sống hiện tại vẫn dựa trên hợp đồng trên giấy rất nhiều. Ngay cả khi hợp đồng kỹ thuật số được sử dụng thì sự tham gia của bên thứ ba trung gian cũng có thể dẫn đến các vấn đề bảo mật hoặc các hoạt động gian lận cùng với sự gia tăng của chi phí giao dịch.
Tuy nhiên các vấn đề trên bây giờ đều có thể được giải quyết nhờ sự ra đời của blockchain – cho phép tất cả các thực thể trong mạng tương tác với nhau phi tập trung và loại bỏ sự tham gia của bên thứ ba trung gian. Nói một cách đơn giản thì blockchain chính là công nghệ cho phép chúng ta lưu trữ dữ liệu trên một sổ cái phân tán. Các dữ liệu của hồ sơ và giao dịch được cập nhật theo thời gian thực cho tất cả các bên trong mạng, đảm bảo tính minh bạch và toàn vẹn dữ liệu.
Nhờ các tính năng của mình, hợp đồng thông minh có thể được áp dụng trong các ngành và lĩnh vực khác nhau như nhà thông minh, thương mại điện tử, bất động sản và quản lý tài sản, v.v.
Smart contract là gì?
Smart contract hay hợp đồng thông minh là một bộ mã máy tính giữa hai hoặc nhiều bên, được xây dựng trên hệ thống blockchain và được cấu thành từ một bộ các quy tắc thỏa thuận giữa các bên tham gia.
Đoạn mã này cho phép tự động hóa phi tập trung bằng cách tạo điều kiện, xác minh và thực thi các điều kiện của một thỏa thuận cơ bản. Nói cách khác, Hợp đồng thông minh là các dòng mã có thể thực thi tự động được lưu trữ trên một blockchain chứa các quy tắc được xác định trước. Khi các quy tắc này được đáp ứng, các mã này sẽ tự thực thi và cung cấp đầu ra. Ở dạng đơn giản nhất, hợp đồng thông minh là các chương trình chạy theo định dạng mà chúng đã được thiết lập bởi người tạo.
Hợp đồng thông minh cho phép bạn trao đổi bất cứ thứ gì có giá trị bao gồm tiền, cổ phiếu, tài sản, v.v … một cách minh bạch, loại bỏ sự cần thiết của các bên trung gian và tránh xung đột hệ thống. Trong hợp tác kinh doanh, chúng được sử dụng để đồng ý với các điều khoản quyết định được thiết lập bởi sự đồng ý của cả hai bên. Điều này làm giảm rủi ro gian lận và vì không có bên thứ ba liên quan, chi phí cũng giảm.
Lịch sử ra đời của hợp đồng thông minh
Khái niệm hợp đồng thông minh được giới thiệu bởi Nick Szabo, một học giả pháp lý và nhà mật mã học vào năm 1994. Ông đi đến kết luận rằng bất kỳ sổ cái phi tập trung nào cũng có thể được sử dụng làm hợp đồng tự thực hiện (self-executable contracts), sau này được gọi là Hợp đồng thông minh (smart contracts). Các hợp đồng kỹ thuật số này có thể được chuyển đổi thành mã máy và được phép chạy trên blockchain.
Smart contract hoạt động như thế nào?
Để hiểu cách thức hoạt động của hợp đồng thông minh, hãy lấy một ví dụ về việc bạn muốn kinh doanh một lô đất.
Quá trình kinh doanh bất động sản sản thường đòi hỏi rất nhiều giấy tờ và liên hệ với nhiều bên, bên cạnh đó còn tiềm tàng nhiều nguy cơ lừa đảo. Hầu hết mọi người khi giao dịch thường thông qua môi giới hoặc các đại lý bất động sản. Các đại lý chịu trách nhiệm với các giấy tờ thủ tục và chuyển giao. Họ đóng vai trò trung gian trong toàn bộ tiến trình, đàm phán và giám sát các thỏa thuận. Khi thỏa thuận được hoàn tất, bạn phải trả một khoản phí hoa hồng không nhỏ cho bên thứ ba. Điều này dẫn đến mất thêm nhiều chi phí hơn cũng như gia tăng rủi ro cho cả người mua và bán.
Trong những tình huống như trên thì hợp đồng thông minh chính là một giải pháp hoàn hảo để giảm thiểu rủi ro cũng như chi phí phát sinh.
Toàn bộ quy trình hoạt động của Hợp đồng thông minh được thực hiện một cách tự động và không có sự can thiệp từ bên ngoài hay thông qua một bên thứ ba nào. Những giao dịch được thực hiện bằng các hợp đồng thông minh rất minh bạch, có thể dễ dàng truy xuất được và không thể bị can thiệp hoặc đảo chiều. Các điều khoản trong Hợp đồng thông minh tương đương với một hợp đồng truyền thống có pháp lý và được ghi lại dưới ngôn ngữ của lập trình.
Điểm nổi bật nhất của Hợp đồng là cho phép hai bên tham gia thực hiện hợp đồng một cách chính xác, an toàn và nhanh chóng; mà không cần các bên phải biết nhau từ trước, cũng không cần phải gặp trực tiếp để có thể trao đổi, ký hợp đồng với nhau, hay một bên trung gian thứ ba mà chỉ cần có kết nối Internet.
Ở giai đoạn đầu, các điều khoản trong hợp đồng sẽ được thiết lập theo cơ chế logic yêu cầu và chuyển thể lại thành dạng chương trình thực thi thông qua các ngôn ngữ lập trình. Người dùng sẽ viết ra các đoạn mã chương trình hợp đồng thông minh và tiến hành biên dịch nó, sau đó đánh dấu nó bằng một địa chỉ và chuyển vào một block nằm trên blockchain. Sau khi chuyển vào block, dữ liệu này sẽ được phân phối và sao chép lại bởi các nút đang hoạt động trên mạng lưới blockchain đó.
Sau khi dữ liệu được lưu trữ trên blockchain thì sẽ chờ đợi các điều kiện kích hoạt. Khi được kích hoạt bằng cách thực thi một giao dịch trên blockchain, các hợp đồng thông minh sẽ hoạt động và thực thi các điều khoản đã được đồng thuận trước đó. Đồng thời tự động kiểm tra quá trình thực hiện những cam kết, điều khoản được nêu trong hợp đồng.
Khác biệt giữa hợp đồng truyền thống và smart contract
Các loại hợp đồng truyền thống được soạn thảo từ chuyên gia pháp lý để biên dịch, thu thập nhiều tài liệu và yêu cầu sự trợ giúp của bên thứ ba để thực hiện. Việc này rất mất thời gian, kém hiệu quả và thiếu minh bạch. Hợp đồng có vấn đề gì, phải nhờ đến hệ thống tư pháp đứng ra giải quyết, dẫn đến tốn kém nhiều chi phí thực hiện.
Ngược lại với hợp đồng truyền thống, smart contract được tạo từ hệ thống máy tính với ngôn ngữ lập trình như C ++, Java, Go, Python,… Đối với smart contract, nó đưa ra nhiều điều khoản và hình thức phạt tương đương giống như hợp đồng truyền thống. Vấn đề duy nhất là smart contract không có sự can thiệp của con người, nhằm thực hiện các điều luật công bằng và minh bạch nhất.
Lợi ích của hợp đồng thông minh
Hợp đồng thông minh là một ứng dụng sở hữu tất cả những điểm mạnh của công nghệ blockchain mang lại nên có rất nhiều ưu điểm, lợi ích.
Tính tự động hóa
Quá trình được thực hiện hợp đồng thông minh là tự động. Người dùng có thể khởi tạo hợp đồng mà không còn bị phụ thuộc vào vì một bên nào đó như luật sư, người làm chứng,… Mọi quy trình đều được thực hiện tự động và hầu như không có sai sót.
Tính chính xác cao, không thể thay đổi
Hợp đồng thông minh không thể bị can thiệp bởi con người một khi nó đã kích hoạt thực thi. Chính bởi thực hiện hoàn toàn tự động trên hệ thống máy tính nên gần như nó sẽ không xuất hiện những lỗi thường gặp ở hợp đồng truyền thống (soạn thảo văn bản…)
Đặc biệt mọi thông tin trên hợp đồng thông một khi đã lưu vào blockchain sẽ không thể bị điều chỉnh. Không một ai có thể can thiệp và điều chỉnh các nội dung, điều khoản trong hợp đồng.
Tính bảo mật cao
Mỗi hợp đồng thông minh đều chứa mật mã được mã hóa dưới dạng ngôn ngữ lập trình đặc biệt. Sau đó chúng lại được phân phối về hệ thống các node và lưu lại vĩnh viễn trên blockchain. Vì thế, tính bảo mật của hợp đồng thông minh rất cao. Hacker nếu muốn điều chỉnh, thay đổi dù chỉ là một thông tin nhỏ trong hợp đồng sẽ cần phải có sự đồng ý của hơn 50% các node hoạt động trong cùng hệ thống.
Tiết kiệm chi phí
Việc triển khai hợp đồng thông minh sẽ không cần đến sự giám sát của bên thứ ba, cũng không phải in ấn, chuyển phát, lưu trữ trong kho. Vì thế, chi phí sẽ giảm thiểu đi rất nhiều. Mỗi doanh nghiệp khi áp dụng hợp đồng thông minh cũng không cần phải đưa đến bên tư vấn giám sát về vấn đề pháp lý, bộ phận quản lý điều chỉnh hợp đồng,.. Nhờ đó, gánh nặng chi phí giảm đi, lợi nhuận của doanh nghiệp đương nhiên tăng lên.
Phù hợp với mọi hoạt động của các doanh nghiệp
Hợp đồng thông minh phù hợp với xu thế hoạt động chung của các doanh nghiệp hiện đại ngày nay và có thể áp dụng với mọi mô hình doanh nghiệp. Chúng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn lực trong việc triển khai, đảm bảo tính chính xác trong quá trình thực thi. Từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo ra lợi nhuận lớn hơn so với khi thực thi hợp đồng truyền thống.
Những yếu tố cần có để tạo nên hợp đồng thông minh
Thông thường, hợp đồng thông minh được hình thành từ 4 yếu tố: chủ thể hợp đồng, điều khoản hợp đồng, chữ ký số và nền tảng phân quyền.
Chủ thể hợp đồng: Bao gồm các bên tham gia thực hiện giao kết hợp đồng. Mỗi hợp đồng thông minh phải được cấp quyền truy cập vào nội dung của hợp đồng.
Chữ ký số: Các bên tham gia vào hợp đồng thông minh phải đồng thuận triển khai những thỏa thuận về chữ ký số và thực hiện các thao tác thông qua chữ ký số.
Điều khoản hợp đồng: Điều khoản quy định trong mỗi hợp đồng đều ở dạng chuỗi, mã lập trình đặc biệt. Những bên tham gia vào hợp đồng thông minh phải đồng ý với các điều khoản đó.
Nền tảng phân quyền: Một hợp đồng thông minh bước vào giai đoạn hoàn tất sẽ được tải lên blockchain. Chuỗi khối blockchain này sẽ tiếp tục phân phối dữ liệu về cho các node. Dữ liệu đã đưa lên được lưu lại vào blockchain và gần như không thể điều chỉnh.
Nhiều ứng dụng phổ biến của hợp đồng thông minh
Bảo hiểm
Thiếu tự động hóa trong quản trị bảo hiểm, xử lý yêu cầu bồi thường có thể mất nhiều thời gian từ vài tuần đến vài tháng. Điều này trở thành một vấn đề cho cả khách hàng cũng như các công ty bảo hiểm khi khách hàng gặp khó khăn trong thời gian chờ tiền bồi thường. Mặt khác, các công ty phải đối mặt với các vấn đề như chi phí hành chính không mong muốn, khách hàng không hài lòng và kém hiệu quả.
Bằng cách sử dụng Hợp đồng thông minh trong các quy trình như vậy có thể đơn giản hóa và hợp lý hóa các quy trình bằng cách tự động kích hoạt thanh toán cho khiếu nại khi một số điều kiện được đáp ứng theo thỏa thuận của khách hàng và công ty. Ví dụ, trong trường hợp mất mát do thiên tai, hợp đồng thông minh có thể được thực hiện kịp thời và mọi người có thể yêu cầu tiền của họ và sử dụng chúng khi cần. Bất kỳ chi tiết cụ thể nào như mức độ tổn thất do thiệt hại có thể được giữ trên một blockchain và số tiền bồi thường có thể được quyết định tương ứng.
Vay thế chấp
Các thỏa thuận thế chấp rất phức tạp vì nhiều chi tiết được bao gồm trong đó như thu nhập của người thế chấp, điểm tín dụng cũng như các khoản chi trả. Để có các khoản vay thế chấp, việc thực hiện kiểm tra các chi tiết này là vô cùng cần thiết. Quá trình này thường nằm trong tay của các bên trung gian và bên thứ ba, điều này làm kéo dài và gây rắc rối cho người cho vay cũng như người cho vay.
Sử dụng hợp đồng thông minh trong tình huống này có lợi do nhiều lý do. Điều quan trọng nhất là loại bỏ người trung gian để tránh bất kỳ quá trình dài dòng và nhầm lẫn. Hơn nữa, tất cả các chi tiết và điều khoản có thể được lưu trữ ở một vị trí mà cả hai bên có thể truy cập mọi lúc.
Hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động là một lĩnh vực khác cần có hợp đồng thông minh. Nếu một trong hai bên, tức là người sử dụng lao động hoặc nhân viên không đáp ứng các kỳ vọng đã đặt ra, các điều khoản của thỏa thuận có thể bị xâm phạm. Điều này có thể được giải quyết đơn giản và minh bạch bằng cách sử dụng một hợp đồng thông minh duy nhất cho cả hai bên, các điều khoản và điều kiện có thể được làm rõ sẽ giúp cải thiện sự công bằng. Những hồ sơ này có thể là bất cứ điều gì như số tiền lương, trách nhiệm công việc,… Một khi các giao dịch này được ghi lại trên hợp đồng thông minh, chúng có thể được xem xét trong trường hợp có bất kỳ xung đột nào. Điều này sẽ cải thiện mối quan hệ nhân viên và người sử dụng lao động.
Hơn nữa, hợp đồng thông minh có thể được sử dụng để giúp xử lý thanh toán tiền lương dễ dàng hơn để nhân viên mong muốn nhận được số tiền đã thỏa thuận trong một khoảng thời gian cụ thể.
Chuỗi cung ứng
Quản trị chuỗi cung ứng liên quan đến dòng hàng và sản phẩm từ giai đoạn bắt đầu cho tới kết thúc. Là một phần rất quan trọng trong nhiều ngành kinh tế, việc đảm bảo tính đúng đắn của chuỗi cung ứng trở thành yêu cầu không thể thiếu đối với bất cứ doanh nghiệp nào. Việc có rất nhiều bên tham gia càng làm cho việc quản lý và kiểm tra hàng hóa trong chuỗi cung ứng trở nên khó khăn hơn.
Lúc này hợp đồng thông minh sẽ cung cấp giải pháp để quản lý và kiểm tra sản phẩm khi nó được luân chuyển trong chuỗi cung ứng từ lúc giao hàng cho đến lúc đến tay khách hàng cuối cùng. Đồng thời toàn bộ các bên tham gia trong chuỗi cung ứng có thể theo dõi và kiểm tra vị trí và tình trạng hàng hóa. Nếu bất cứ vấn đề gì xảy ra trong quá trình thì hợp đồng thông minh sẽ được sử dụng để xác định vị trí và tự động xử lý những tình huống theo kịch bản đã được lập trình sẵn. Ngoài ra nếu bất cứ bên nào tham gia không đáp ứng được các điều khoản trong hợp đồng sẽ được thông báo trên toàn bộ hệ thống. Điều này mang đến sự minh bạch cho toàn bộ chuỗi cung ứng.
Tiềm năng của hợp đồng thông minh là không giới hạn. Trong tương lai chúng có thể đóng vai trò như một sự thay thế hoàn hảo cho các tổ chức trung gian trong các mô hình truyền thống. Thông qua hợp đồng thông minh, mọi giao dịch được thực thi hoàn toàn tự động và bảo mật.
Mặc dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng với sự phát triển của công nghệ thì hợp đồng thông minh sẽ trở thành một phần không thể thiếu cho nền kinh tế thế giới.