Dòng thời gian và lịch sử của công nghệ blockchain

Được kỳ vọng sẽ mở ra kỉ nguyên mới cho nền kinh tế số, công nghệ blockchain đang nhận được sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức và quốc gia trên toàn thế giới. Hiểu một cách đơn giản, blockchain là một cuốn sổ cái được chia sẻ phân tán và chứa các giao dịch và có thể phục vụ như một nguồn tin cậy cho các thành viên sử dụng blockchain. Điều gì khiến blockchain có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới đến vậy?

Hãy cùng nhau tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của blockchain để khai phá tiềm năng của siêu công nghệ này qua bài viết hôm nay. 

Blockchain là gì?

Theo ấn bản “Mastering Bitcoin” của tác giả Antonopoulos, blockchain được định nghĩa là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối (block) được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian, do đó được gọi là chuỗi khối (blockchain). Mỗi block chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo, các thông tin giao dịch và được liên kết với các khối trước đó thông qua thông tin hàm băm (hash).

Ngoài ra, có một số định nghĩa khác về blockchain như: Blockchain là một cuốn sổ cái được chia sẻ phân tán và chứa các giao dịch. Các giao dịch đều được sắp xếp và nhóm thành các khối. Hiện tại, các mô hình hệ thống CNTT trên thực tế đều dựa trên cơ sở dữ liệu riêng được duy trì bởi các tổ chức, trong khi đó sổ cái phân tán có thể phục vụ như một nguồn tin cậy cho các thành viên sử dụng blockchain.

Các giao dịch trong blockchain được xử lý theo cơ chế đồng thuận, có nghĩa là các nút tham gia mạng lưới blockchain cùng nhau giải quyết một bài toán bao gồm một hàm toán học được gọi là hàm băm. Nhiệm vụ này mặc dù được cho là khá đơn giản (đối với máy tính), nhưng nếu được thực hiện nhiều lần thì sẽ phát sinh chi phí tính toán (computationally expensive). Các máy tính trong mạng blockchain sẽ cạnh tranh với nhau để tìm một hash với đặc tính cụ thể. Máy tính tìm ra giá trị hash trước tiên sẽ được phép thêm một khối giao dịch mới vào blockchain. Các giao dịch này sẽ được lưu trữ trong một cơ sở dữ liệu gọi là sổ cái. Dữ liệu sẽ được lưu trữ dạng phân tán và không thể sửa, xóa. Như vậy, các yếu tố chủ yếu cấu thành blockchain bao gồm: Sổ cái phân tán dạng móc xích, Mạng tính toán ngang hàng, Mật mã học được sử dụng trong blockchain.

Do được thiết kế trên nền tảng dữ liệu phi tập trung, blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin các block trong blockchain được mã hóa bằng hàm hash và lưu trữ trên tất cả các nút. Mỗi nút sẽ chứa thông tin không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm block mới khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Như vậy, các giao dịch trong blockchain sẽ được đảm bảo an toàn nhờ hai tính chất: Cấu trúc block kết nối móc xích tạo cơ chế khó phá vỡ và sử dụng các thuật toán mật mã để chống giả mạo.

Tìm hiểu công nghệ blockchain qua infographic

Ý tưởng chính đứng sau công nghệ blockchain này nổi lên vào cuối những năm 1980, đầu năm 1990. 

Vào năm 1982, David Chaum – nhà khoa học được vinh danh là nhà phát minh ra tiền điện tử và chữ ký mù đã đưa ra một nghiên cứu có nhan đề “Blind Signatures for Untraceable Payments” (tạm dịch: Chữ ký mù cho những giao dịch không thể tìm ra). Chữ ký mù ẩn nội dung thông điệp trước khi ký. Mặc dù, chữ ký số có thể được xác thực với chữ ký gốc, nhưng nội dung vẫn được ẩn – đây là phiên bản sơ khai của chữ ký mã hóa dùng cho blockchain.

Năm 1990, chính tác giả này đã thành lập DigiCash để tạo ra một loại tiền điện tử dựa trên ý tưởng trong các bài viết của ông. Đến năm 1994, khoản chi điện tử đầu tiên của DigiCash đã được thực hiện. 

Năm 1997, Adam Back đề xuất một hệ thống hạn chế thư quảng cáo cùng với phương thức tấn công từ chối dịch vụ bằng cách sử dụng một thuật toán “Bằng chứng xử lý”, được biết đến với tên là Hashcash.

Nhà khoa học máy tính Hal Finney (Harold Thomas Finney II) đã đưa ra một giải pháp bảo mật gọi là “Reusable Proof of Work” vào năm 2004. Proof of Work (PoW) được ghi nhận là thuật toán đồng thuận đầu tiên được tạo ra trên mạng lưới blockchain. Được sử dụng để xác nhận giao dịch và sản xuất các block mới trong chuỗi, đó là lý do còn gọi Proof of Work (PoW) là thuật toán bằng chứng công việc.

PoW yêu cầu những người sở hữu các máy tính trong mạng phải giải một bài toán phức tạp để có thể thêm một block (khối) vào chuỗi. Proof of Work (PoW) được xem là 1 thử nghiệm ban đầu và là những bước đi đầu tiên quan trọng trong lịch sử tiền mã hóa.

Tháng 10/2008, tác giả Satoshi Nakamoto – người mà danh tính thật sự vẫn còn là một ẩn số đã phát hành Cuốn sách trắng (White Paper) đầu tiên về bitcoin với tiêu đề: Bitcoin: hệ thống tiền điện tử ngang hàng (purely peer-to-peer version of electronic cash).

Bitcoin được khai thác dựa trên cơ chế của thuật toán Proof of Work (PoW). Để blockchain của bitcoin có thể hoạt động, cần đến sự ra đời liên tục của block mới chứa các thông tin giao dịch. Việc này được đảm nhận bởi thành phần gọi là “Miners”. Họ sẽ phải giải đáp các bài toán phức tạp và gửi đáp án đúng đến toàn mạng lưới nhanh nhất. Nói ngắn gọn, các miners đào bitcoin để nhận phần thưởng bằng cách sử dụng cơ chế của Proof of Work (PoW) và sau đó xác minh bằng các node phi tập trung trong mạng.

Vào ngày 3 tháng 1 năm 2009, bitcoin ra đời khi Satoshi đào được khối bitcoin đầu tiên với phần thưởng là 50 bitcoin. Với tên gọi bitcoin, công nghệ blockchain lần đầu được ra mắt công chúng. Sự ra đời của blockchain được đánh giá như một cuộc cách mạng lớn nhất từ sau khi có Internet trên thế giới.

Vào những năm 2011 và 2012, những ứng dụng tiền mã hóa liên quan và nhắm tới việc thay thế tiền mặt được cho ra mắt. Đến những năm 2012 và 2013 thì hoàn thiện các hệ thống chuyển nhận và thanh toán kỹ thuật số.

Vitalik Buterin, nhà lập trình và nhà đồng sáng lập của nền tảng truyền thông trực tuyến Bitcoin Magazine chỉ ra rằng Bitcoin cần một ngôn ngữ mật mã để xây dựng các ứng dụng phi tập trung. Không có được sự chấp thuận của cộng đồng, Vitalik bắt đầu phát triển một nền tảng tính toán phân tán dựa trên blockchain mới là Ethereum, với một chức năng mật mã mới được gọi là hợp đồng thông minh (smart contract). 

Ethereum và smart contract được xác nhận ra đời vào năm 2013. Smart contract là các chương trình hoặc tệp lệnh được triển khai và thực thi trên mạng lưới blockchain Ethereum. Các smart contract được viết bằng một số ngôn ngữ lập trình cụ thể và được biên soạn thành bytecode trên một hệ thống gọi là máy ảo ethereum (EVM) nhằm biên dịch, đọc và thực thi.

Các nhà phát triển cũng có thể tạo và xuất bản các ứng dụng chạy trên nền tảng mạng lưới blockchain Ethereum. Những ứng dụng này thường được biết đến như là các DApp (ứng dụng phi tập trung) và cho tới nay đã có hàng trăm DApp đang chạy trên mạng lưới blockchain Ethereum, bao gồm các sàn giao dịch, các ứng dụng về bảo mật, các nền tảng truyền thông xã hội và các ứng dụng game.

Những năm 2013 và 2014, việc sử dụng công nghệ blockchain vào các thị trường tài chính và những ứng dụng ngoài việc thay thế giao dịch tiền mặt càng lúc càng phát triển rầm rộ. Đến cuối năm 2015, tính năng hợp đồng thông minh sử dụng công nghệ blockchain đã gặt hái được những thành công trên chặng đường phát triển và cải thiện đáng kể.

Vào những năm 2015 và 2016, công nghệ blockchain một lần nữa tiến hóa với các giải pháp cho những mạng lưới blockchain cần cấp quyền để dần dần đưa các tính năng này vào nhiều lĩnh vực kinh tế hơn.

Giai đoạn từ năm 2017 đến 2018 của blockchain được các chuyên gia đánh giá là giai đoạn thử nghiệm, giúp làm rõ các thử thách và lợi ích khi áp dụng công nghệ này vào các ứng dụng kinh doanh. Giai đoạn 2019 là một bước nhảy vọt cho công nghệ blockchain nói chung và các đơn vị cung cấp dịch vụ blockchain nói riêng khi thị trường bắt đầu xây dựng một đế chế mới dựa trên nền tảng công nghệ này.

Trong năm 2019 và 2020, chúng ta đã chứng kiến một bước tiến rõ rệt cho blockchain khi từ một công nghệ chưa được chú trọng phát triển trở thành một nền tảng mũi nhọn hứa hẹn nhiều sự đột phá trong tương lai. Trong những năm gần đây, ấn tượng về blockchain trong mắt cộng đồng đã thay đổi rõ rệt từ một công nghệ được thổi phồng quá mức đến một giải pháp đã giúp giải quyết rất nhiều vấn đề thực tế trong kinh doanh, đặc biệt trong lúc kinh tế thị trường trải qua giai đoạn đại dịch COVID-19.

Năm 2021 vừa qua, “metaverse” cũng trở thành những từ được tìm kiếm nhiều nhất, thúc đẩy các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ truyền thống như Facebook, Microsoft…cải tiến trong mô hình hoạt động và khám phá sâu hơn về ranh giới của thực tế ảo, thực tế tăng cường và các mô hình thực tế hỗn hợp.

Trong năm 2022, blockchain tập trung phần lớn vào sự hỗ trợ công nghệ tiềm năng cho metaverse của các công ty công nghệ lớn như The Sandbox và các dự án blockchain mới đang phát triển trong metaverse như Bit.Country, Metaverse AI.

Công nghệ blockchain ngày càng được nhiều công ty và tập đoàn lớn phát triển với việc xây dựng mạng lưới của riêng mình. Chính phủ các quốc gia trên thế giới cũng dần soạn thảo luật để đưa vào chính sách trong quốc gia của chính họ.

Blockchain được tin rằng sẽ là thế hệ tiếp theo của Internet và  làm biến đổi đáng kể sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói riêng.

————————————————

Brain Hub – Think Out Of The Block

📩 Email: enquiry@brainhub.com.vn

🎗️Fanpage: https://www.facebook.com/BrainhubVNOfficial

📎 Linkedin: https://www.linkedin.com/company/brain-hub-viet-nam/

#BrainhubVietnam #Blockchain #blockchainforbusiness #blockchaineducation #NFT #metaverse #Tech #DigitalTransformation #SharkTank #SharkTankForum

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.