Thành phố Blockchain là gì: Công nghệ hỗ trợ cuộc sống đô thị trong tương lai

Công nghệ blockchain đang phát triển mạnh mẽ và là một trong những công nghệ thiết yếu để kiến tạo ra các đô thị thông minh trong tương lai.

Đưa công nghệ blockchain vào xây dựng thành phố thông minh

Những bộ phim khoa học viễn tưởng như Back to the Future II đã từng thể hiện phiên bản giả tưởng về thế giới tương lai, nơi những ngôi nhà thông minh có khóa cửa quét vân tay và trợ lý điều khiển bằng giọng nói. Tất cả những điều này đã trở thành hiện thực, dù ô tô bay hoặc ván lượn bay như trong phim chưa thực sự hiện hữu hay phổ biến.

Nhìn chung, thế giới đang hướng tới việc phát triển và quản lý các thành phố theo hướng số hóa và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại. Những thành phố tiên tiến, sáng tạo và sử dụng công nghệ cao này được gọi là thành phố thông minh. Và blockchain (công nghệ chuỗi khối) là một trong những công nghệ thiết yếu để tạo ra các thành phố an toàn, minh bạch, hiệu quả và linh hoạt hơn. 

Một điểm quan trọng cần nhớ là để thành phố thông minh góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và hoạt động hiệu quả đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ thì kiến tạo một  thành phố thông minh độc lập là chưa đủ. Thay vào đó, điều cần thiết là phải đảm bảo khả năng tương tác và phối hợp giữa nhiều thành phố thông minh.

Tại Nhật Bản, văn phòng nội các đã phát hành sách trắng về kiến ​​trúc tham chiếu cho các thành phố thông minh vào tháng 3 năm 2020, trong đó trích dẫn khả năng tương tác là một trong bốn khái niệm cơ bản quan trọng trong việc thúc đẩy thành phố thông minh.

Đô thị thông minh là xu hướng của thế giới và đang được kỳ vọng là một giải pháp để phát triển đô thị nhằm đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững. Dưới đây là một vài khía cạnh blockchain sẽ hỗ trợ các thành phố thông minh của tương lai.

Cải thiện an ninh mạng

Hoạt động tội phạm mạng đang gia tăng từng ngày trên toàn thế giới. Một báo cáo cho thấy tội phạm mạng sẽ khiến các công ty thiệt hại ước tính khoảng 10.000 tỷ USD vào năm 2025. Giữa bối cảnh như vậy, công nghệ blockchain được tin tưởng có thể hữu ích trong việc giảm nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công mạng cho cả doanh nghiệp lẫn các thành phố thông minh.

Đối với hệ thống thiết bị thuộc mạng lưới Vạn vật kết nối Internet (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI) tại các thành phố, công nghệ mã hóa đầu cuối, giao tiếp an toàn và xác thực được thực hiện nhờ blockchain có thể giúp cải thiện tính an ninh cho mạng lưới này. Khả năng xác minh của blockchain cũng giúp đảm bảo tính toàn vẹn của các bản cập nhật phần mềm thiết bị, cũng như ngăn chặn cài đặt phần mềm độc hại.

Blockchain cũng giúp bảo vệ danh tính cho người dân tốt hơn với các kỹ thuật xác thực như mật mã hóa (cryptography). Chúng có thể giúp hạn chế các hành vi trộm cắp danh tính như trộm cắp bằng lái xe hoặc thông qua thư tín.

Nâng cao khả năng chăm sóc y tế

Giới chuyên gia cho hay blockchain có thể ứng dụng theo nhiều cách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y tế. Một số bệnh viện đã ứng dụng blockchain để xây dựng hệ thống phân tán quản lý hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân, tạo chuỗi cung ứng minh bạch cho dược phẩm cũng như quản lý sự bùng phát của các loại bệnh dịch.

Trên quy mô lớn hơn, blockchain có thể kết hợp với các công nghệ tiên tiến khác như AI để cải thiện hơn nữa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho các thành phố thông minh. Ví dụ: sự kết hợp giữa AI và blockchain có thể giúp chẩn đoán ban đầu tình hình bệnh nhân thông qua các thiết bị điện tử mang trên người (wearable). Các chẩn đoán sau đó được chia sẻ với một chuyên gia y tế một cách bảo mật an toàn trên blockchain mà ít cần các thăm khám trực tiếp.

Bệnh nhân và bác sĩ sau đó có thể khởi tạo một hợp đồng thông minh (smart contract – một bộ giao thức đặc biệt có khả năng tự động thực hiện các điều khoản hay thỏa thuận giữa các bên nhờ vào công nghệ blockchain) nếu có nhu cầu điều trị nâng cao. Tương tự, hợp đồng thông minh có thể được sử dụng cho các yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

Tăng cường quản lý chất thải

Blockchain có thể giúp duy trì một môi trường sạch sẽ, vệ sinh cao trong các thành phố thông minh thông qua theo dõi thời gian thực các hoạt động khác nhau liên quan đến quản lý chất thải. Ví dụ, blockchain có thể cung cấp thông tin minh bạch  về lượng chất thải được thu gom, ai đã thu gom chúng và cách chất thải được tái chế hoặc xử lý.

Các chính phủ cũng có thể khuyến khích quản lý chất thải để tăng tính vệ sinh, sạch đẹp cho môi trường cảnh quan với sự trợ giúp của blockchain. Điều này sẽ thúc đẩy người dân tích cực tham gia góp phần quản lý chất thải tốt hơn.

Tại  thị trấn vùng Đông Bắc Argentina, một doanh nhân tên Ivan Zubilewicz đã tạo ra loại tiền điện tử có tên JellyCoin dựa trên công nghệ blockchain để trao chúng cho những cá nhân giúp quản lý chất thải. Trên thế giới cũng có những dự án tương tự kết hợp giữa blockchain và quản lý chất thải, với hy vọng sẽ mang lại một sự thay đổi cần thiết trong hành vi của người dân.

Đơn giản hóa quy trình giáo dục

Một trong những ứng dụng tốt nhất của blockchain cho các thành phố thông minh là đơn giản hóa quy trình giáo dục. Các học viện thường phải xử lý một lượng lớn học liệu và dữ liệu học sinh. Việc chuyển giao dữ liệu giữa nhiều trường và học viện cũng khá vất vả và tốn thời gian.

Blockchain có thể giúp giải quyết các vấn đề trên bằng cách tạo ra một cơ sở dữ liệu tập trung, bất biến. Các tổ chức học thuật khác nhau có thể dễ dàng truy cập và chia sẻ thông tin trên mạng lưới blockchain, qua đó giảm bớt các công việc hành chính liên quan. Ngoài ra, blockchain cũng sẽ giúp giảm các trường hợp gian lận, chẳng hạn như tạo bảng điểm giả, vì dữ liệu sinh viên không thể thay đổi do bản chất bất biến của blockchain.

Quản lý hệ thống giao thông hiệu quả

Công nghệ blockchain có thể giúp thúc đẩy dịch vụ giao thông vận tải trong các thành phố thông minh bằng cách tạo ra một mạng lưới phương tiện giao thông từ điểm tới điểm. Một mạng lưới như vậy có thể cho phép theo dõi hiệu quả các phương tiện giao thông, cung cấp một nền tảng an toàn cho việc đăng ký phương tiện và lái xe, cũng như thông báo cho chủ sở hữu về các cập nhật cần thiết. Ví dụ: blockchain có thể giúp tạo ra dữ liệu theo dõi chủ sở hữu phương tiện để ngăn chặn các vụ trộm cắp xe cũng như nâng cao chất lượng quy trình mua bán phương tiện.

Những hình mẫu sinh động về “thành phố blockchain” trên thế giới

Dubai không chỉ được biết đến như một thành phố của tương lai, mà còn muốn thông qua blockchain làm công dân của họ hạnh phúc hơn.

Chiến lược blockchain Dubai (Dubai Blockchain Strategy) của hai tổ chức Smart Dubai và Dubai Future Foundation là một sáng kiến nhằm hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hạnh phúc nhất thế giới” của Dubai, trong khi tiếp tục khai thác các tiến bộ công nghệ mới để mang đến trải nghiệm dễ chịu, hiệu quả cho công dân.

Nhờ Chiến lược blockchain Dubai, một hệ sinh thái blockchain đã được thiết lập nhằm đưa Dubai thành “đô thị blockchain” toàn cầu. Dubai đang chuẩn bị cho ra mắt gần 24 ứng dụng blockchain thí điểm tại các cơ quan khác nhau trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cơ sở hạ tầng cho đến giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Dubai đã ứng dụng thành công công nghệ blockchain trong việc đăng ký đất đai. Ngoài ra, nền tảng chia sẻ Dubai blockchain hợp tác cùng tập đoàn công nghệ IBM giúp các cơ quan chính phủ ứng dụng blockchain mà không cần phải đầu tư vào từng hạ tầng riêng lẻ. 

Chính phủ Dubai xem blockchain là bước tiếp theo trong chuyển đổi số khu vực công và tư nhân, cũng như định vị Dubai là trung tâm hàng đầu về phát triển và đổi mới blockchain.

Thủ đô Đài Bắc – Đài Loan đang tìm cách để trở thành một thành phố thông minh bằng cách sử dụng sức mạnh của công nghệ blockchain. Thành phố đã chọn hợp tác với IOTA – công ty phát minh ra công nghệ Tangle cho Internet of Things (IoT) để cung cấp một số tính năng công nghệ mới cho cư dân. 

Dự án đầu tiên sử dụng công nghệ này là việc tạo ra các thẻ ID công dân được xây dựng trên công nghệ Tangle. Thẻ “TangleID” được thiết kế để loại bỏ các rủi ro từ việc đánh cắp nhận dạng và gian lận cử tri, đồng thời cung cấp một phương tiện đơn giản để theo dõi lịch sử sức khoẻ và các dữ liệu khác cho các dịch vụ liên quan đến chính phủ.

Người ta thường gọi Estonia là một quốc gia kỹ thuật số. Hầu hết dịch vụ chính phủ được cung cấp trực tuyến 24/7, trong đó, tính toàn vẹn của dữ liệu được bảo đảm bằng công nghệ blockchain.

Tại Estonia, công nghệ blockchain cho công dân quyền kiểm soát dữ liệu của riêng họ tốt hơn. Ít người trên thế giới biết chính xác hồ sơ y tế của họ được lưu tại đâu và ai đang xem chúng. Song, ở Estonia, người dân có thể truy cập hồ sơ bằng định danh điện tử và xem chính xác ai đã làm gì với nó và vào lúc nào. Bất kỳ quan chức chính phủ nào truy cập dữ liệu người dân mà không có lý do chính đáng đều có nguy cơ bị đưa ra pháp luật và truy tố.

Năm 2008, chính phủ Estonia bắt đầu thử nghiệm công nghệ blockchain để đối phó với tấn công mạng và giảm thiểu nguy cơ từ bên trong. Estonia cũng là nước đầu tiên triển khai công nghệ blockchain trong bộ máy chính quyền. Đó là vào năm 2012 với dịch vụ đăng ký thừa kế thuộc Bộ Tư pháp. Các cơ quan đang tận dụng blockchain phải kể đến Bộ Truyền thông và Các vấn đề kinh tế, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Các vấn đề xã hội. Blockchain ứng dụng trong các dịch vụ đăng ký y tế, tài sản, kinh doanh, thừa kế, tòa án điện tử, hệ thống theo dõi thông tin, thông báo chính thức của nhà nước.

Trung Quốc ra mắt mạng dịch vụ Blockchain Service Network (BSN) vào ngày 25/04/2022. Cả khu vực công và tư nhân ứng dụng blockchain cho nhiều mục đích khác nhau, như chuyển tiền, du lịch, thanh toán xuyên biên giới. Gần đây nhất, 21 nhà tù thông minh tại Giang Tô bắt đầu sử dụng blockchain để quản lý tù nhân.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng bắt tay vào phát triển đồng nhân dân tệ điện tử. BSN sẽ hỗ trợ việc sử dụng và phân phối nhân dân tệ điện tử. 

Ý tưởng đằng sau BSN là cho phép liên thông giữa các giao thức blockchain khác nhau, chẳng hạn Bitcoin hay Ethereum. Các máy chủ chạy trên BSN sẽ tương thích với blockchain của bất kỳ thành viên nào tham gia mạng lưới. Theo sách trắng kỹ thuật BSN, mạng lưới thống nhất các blockchain, giúp các nhà phát triển sử dụng một chìa khóa duy nhất để triển khai ứng dụng phi tập trung (DApp) trên nhiều giao thức blockchain khác nhau. 

Một trong hai sáng kiến còn lại nhằm phục vụ cho tham vọng dẫn đầu blockchain của Trung Quốc là đồng nhân dân tệ điện tử. Cho đến nay, hơn 1,1 tỷ USD nhân dân tệ điện tử đã được Ngân hàng nhân dân Trung Quốc phát hành. Bắc Kinh công khai phát tín hiệu cho biết sẽ mở rộng đồng nhân dân tệ điện tử ra phạm vi quốc tế, với sự hỗ trợ của BSN.

Hiện ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đang triển khai blockchain cho các thành phố thông minh. Trong tương lai gần, công nghệ này sẽ được sử dụng trong mọi lĩnh vực, hứa hẹn mang lại những tiện ích và đảm bảo an ninh tốt nhất cho người dân của các thành phố tương lai.

————————————————

Brain Hub – Think Out Of The Block

📩 Email: enquiry@brainhub.com.vn

🎗️Fanpage: https://www.facebook.com/BrainhubVNOfficial

📎 Linkedin: https://www.linkedin.com/company/brain-hub-viet-nam/

#BrainhubVietnam #Blockchain #blockchainforbusiness #blockchaineducation #NFT #metaverse #Tech #DigitalTransformation #SharkTank #SharkTankForum

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.