Blockchain: Chào mừng doanh nghiệp đến với kỷ nguyên công nghệ phi tập trung

Blockchain là một công nghệ của tương lai. Cách đây hơn 30 năm người nào chưa biết Internet coi như bị đứng ngoài thời cuộc. Tương tự 5 năm nữa đối với blockchain cũng vậy.

Quy mô thị trường công nghệ blockchain toàn cầu được định giá 5,85 tỷ USD vào năm 2021 (theo Grandviewresearch.com) và dự kiến với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 85,9% từ năm 2022 đến năm 2030. Sự tăng trưởng của thị trường có thể là do nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ngày càng tăng cao vào các công ty công nghệ blockchain. 

Vào tháng 5 năm 2021, Circle Internet Financial Ltd., một nhà cung cấp công nghệ blockchain, thông báo rằng họ đã huy động được 440 triệu USD tài trợ từ các nhà đầu tư chiến lược. Công ty đã sử dụng nguồn vốn này để phát triển công nghệ và mở rộng thị trường. Việc hợp pháp hóa tiền điện tử ở các quốc gia như Ukraine và El Salvador được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội mới cho thị trường kinh doanh đầy tiềm năng này.

Thị trường khu vực Bắc Mỹ thống trị thị trường toàn cầu vào năm 2021 và chiếm hơn 37% thị phần doanh thu blockchain toàn cầu với 2,2 tỷ USD . Chính phủ các nước, các ngành/lĩnh vực bán lẻ và ngân hàng và tài chính (BFSI), đang triển khai các giải pháp thanh toán số và ví điện tử, hợp đồng thông minh và các giải pháp phát hiện danh tính số, đang tạo ra nhu cầu về công nghệ blockchain. Hơn nữa, sự gia tăng sử dụng tiền điện tử của người dân ở Bắc Mỹ cũng là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng thị trường khu vực.

Trong khi đó, thị trường châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR nhanh nhất trong giai đoạn dự báo. Chính phủ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, đã và đang thúc đẩy việc sử dụng công nghệ blockchain. Điều này chủ yếu là do những lợi ích như tính minh bạch cao và tăng hiệu quả, do công nghệ này cung cấp cho nhiều ngành công nghiệp. Ví dụ, vào năm 2019, chính phủ Hàn Quốc đã công bố khoản đầu tư 880 triệu USD vào các dự án phát triển blockchain.

Cơn sốt thu hút của Blockchain đối với các ông lớn trong làng công nghệ thế giới

Hiện tại, nền kinh tế thế giới đang dần chuyển từ mô hình truyền thống của các tổ chức tập trung sang một mô hình mới ngày càng phân quyền và tự chủ hơn. Sự thay đổi này đánh dấu sự ra đời của một thế hệ mới các tổ chức, doanh nghiệp “phi vật chất hóa”, các tổ chức không yêu cầu các tài sản vật lý như văn phòng hay tài sản vật lý khác, thậm chí ngay cả nhân viên. Với tiến trình đó, công nghệ Blockchain ra đời đang là cơn sốt thu hút nhiều tập đoàn lớn nghiên cứu, ứng dụng.

Ông lớn của làng công nghệ thế giới – Microsoft đã bày tỏ sự quan tâm của mình tới công nghệ Blockchain khi hợp tác với ConsenSys – một công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ thể, vào tháng 12/2015, Microsoft và ConsenSys đã công bố phần mềm EBaas (Ethereum Blockchain as a Service) trên nền tảng điện toán đám mây Azure nhằm cung cấp dịch vụ cho khách hàng hay các doanh nghiệp có thể kiểm tra hay triển khai các ứng dụng Blockchain để phát triển SmartContract và BlockApps. Tiếp đến vào tháng 6/2016, hai công ty này bắt đầu phát triển một hệ thống nhận diện mã nguồn mở dựa trên Blockchain cho người dùng đối với các sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ.

Còn Tập đoàn IBM thì xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) Blockchain để triển khai công nghệ này trong nhiều lĩnh vực, sử dụng nền tảng Blockchain của chính công ty mình là Hyperledger. Kể từ khi khởi động hồi tháng 2/2017, Trung tâm R&D và ứng dụng Blockchain của IBM đã phát triển với 1.500 người trên toàn thế giới. Hãng đang phối hợp với nhiều đối tác như Walmart để đẩy nhanh quá trình theo dõi thực phẩm từ 6 ngày xuống chỉ còn 2 giây nhờ ứng dụng công nghệ, đồng thời giúp Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) tối đa hóa thông tin trong các cuộc thử nghiệm thuốc lâm sàng. Bên cạnh đó, IBM cũng đang phối hợp với Northern Trust trong việc cải tiến hoạt động quản lý vốn tư nhân (PE); thử nghiệm việc ứng dụng công nghệ này vào quản lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Khi được ứng dụng, Blockchain sẽ giúp loại bỏ các thủ tục giấy tờ rắc rối, nhờ đó hàng hóa sẽ được lưu thông nhanh hơn và tiết kiệm nhiều chi phí.

Theo Hãng tin Bloomberg (Mỹ), Samsung đang nghiên cứu phát triển nền tảng Blockchain của riêng mình để quản lý hệ thống phân phối toàn cầu. Nền tảng Blockchain của Samsung cũng sẽ dựa trên một hệ thống sổ cái để theo dõi các chuyến tàu vận chuyển hàng hóa trị giá hàng chục tỷ USD mỗi năm. Dự án này sẽ được Samsung SDS chịu trách nhiệm phát triển – đây là một công ty con chuyên về công nghệ hậu cần và Blockchain của Tập đoàn. Việc ứng dụng công nghệ Blockchain có thể giúp tập đoàn này giảm bớt 20% chi phí vận chuyển hàng hóa.

Gần đây, Google đã khá mạnh tay trong việc mua lại và đầu tư vào các startup Blockchain. Mặc dù nhiều thương vụ không được công bố, nhưng báo cáo của CB Insight đã xếp hạng Google ở vị trí thứ 2 trong danh sách những nhà đầu tư tích cực nhất vào Blockchain từ năm 2012 đến 2017. Vị trí đầu bảng thuộc về SBI Holdings, trong khi Overstock.com Inc (OSTK), Citigroup Inc (C) và Goldman Sachs Group Inc (GS) đều đứng sau Google. Gã khổng lồ internet này cũng nắm một số lượng lớn chuyên gia Blockchain trong hệ thống của mình.

Tại Đài Loan, chiếc smartphone chạy trên nền tảng Blockchain đầu tiên đã được hãng Foxconn sản xuất. Chiếc điện thoại có tên Finney này cho phép lưu trữ và mua sắm bằng các đồng tiền mã hóa như bitcoin và cho phép kiếm được các token bằng cách chia sẻ kết nối dữ liệu di động với những người xung quanh. Nó cũng hứa hẹn sẽ cải thiện bảo mật nhờ vào Sirin OS – hệ điều hành mã nguồn mở chạy trên nền tảng Android.

Theo TechRepublic (ấn phẩm uy tín về công nghệ thông tin của Mỹ), cùng đồng hành với các tập đoàn công nghệ lớn trên đây, nhiều doanh nghiệp lớn khác của thế giới như Walmart, Maersk, British Airways, FedEx… đã ứng dụng thành công công nghệ Blockchain để tinh giản hóa bộ máy hoạt động của mình, qua đó cắt giảm chi phí không cần thiết. Liên minh R3 bao gồm gần 50 ngân hàng và định chế tài chính hùng mạnh trên thế giới như ING, Banco Bradesco, Natixis, Barclays, UBS và Wells Fargo vừa qua cũng đã thu hút được hơn 100 triệu USD từ các nhà đầu tư xuyên quốc gia như Bank of America Merrill Lynch, HSBC, Intel và Temasek để tiến hành nghiên cứu ứng dụng Blockchain vào tài chính và các lĩnh vực có liên quan. Sức hút của công nghệ Blockchain đang lan toả ra toàn cầu.

Bên cạnh đó, một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia “chạy đua” trong việc ứng dụng công nghệ Blockchain. Điển hình là Dubai (thuộc Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất) đã lên kế hoạch đưa ứng dụng Blockchain vào mọi lĩnh vực kinh tế và đời sống với mục tiêu trở thành chính phủ đầu tiên trên thế giới tận dụng triệt để công nghệ này. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2020 tất cả hoạt động nộp đơn visa, thanh toán hóa đơn, gia hạn giấy phép sẽ được thực hiện trên nền tảng Blockchain và từ đó đưa quốc gia này trở thành “thành phố tương lai”. Trung Quốc hiện có hơn 450 công ty khởi nghiệp liên quan đến Blockchain và gần 40% tổng số các công ty khởi nghiệp liên quan đến Blockchain của nước này xuất hiện trong năm 2017. Theo thông tin từ Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc, các công ty Blockchain thành lập mới trong năm 2016 của nước này đã tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Trung Quốc cũng được cho là đang tiến hành thiết lập một bộ các “tiêu chuẩn” cho công nghệ Blockchain vào cuối năm 2019.

Việt Nam đón đầu làn sóng blockchain

Tại lễ ra mắt Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) vào tháng 5/2022, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng cho biết: Hiện, Bộ KH&CN đang triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC-4.0/19-25, trong đó blockchain là một trong những công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 được chương trình này ưu tiên.

Nhiều dự án blockchain được phát triển tại Việt Nam đang tạo đà trên thị trường toàn cầu, thu hút nhiều nhà đầu tư và trở thành tiền đề cho sự phát triển hơn nữa của các dự án blockchain tại Việt Nam. Cuộc đua áp dụng blockchain vào  phát triển  doanh nghiệp vẫn chưa kết thúc. Nó đã được các ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng và fintech  ứng dụng thành công, mang lại nhiều lợi ích  cho doanh nghiệp cũng như doanh nghiệp. Blockchain  là mảnh đất màu mỡ cho nhiều công ty khai thác trong tương lai gần.

Ngoài ra, các công ty trong  nhiều ngành  hiện đang tích cực tìm kiếm nhiều giải pháp dựa trên blockchain hơn, việc ứng dụng blockchain tuy chưa thật sự rộng rãi nhưng đang trở nên sôi động. Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao, blockchain là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. 

————————————————

Brain Hub – Think Out Of The Block

📩 Email: enquiry@brainhub.com.vn

🎗️Fanpage: https://lnkd.in/gSnH8AEX

📎Linkedin: https://www.linkedin.com/company/brain-hub-viet-nam/

#BrainhubVietnam #Blockchain #blockchainforbusiness #blockchaineducation #NFT #metaverse #Tech #DigitalTransformation #SharkTank #SharkTankForum

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.