Walmart và câu chuyện về ứng dụng blockchain vào chuyển đổi số

Chuyển đổi số để thích nghi với thời đại công nghệ 4.0 là điều không hề dễ dàng nhưng rất cần thiết với bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả những tập đoàn lớn nhất thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, gã khổng lồ bán lẻ Walmart đã bắt đầu quá trình “lột xác” từ năm 2011 bằng hàng loạt các chiến lược chuyển đổi toàn diện, đặc biệt là bước đi táo bạo nhằm đưa ứng dụng blockchain vào quá trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm đã đem lại cho Walmart kết quả đáng kinh ngạc.

Walmart chuyển đổi số để trở thành “ông lớn” trong mảng công nghệ

Để có thể vươn mình từ một doanh nghiệp bán lẻ truyền thống thành tập đoàn công nghệ đột phá hàng đầu, Walmart đã mua lại một công ty thương mại điện tử mang tên Yihaodian của Trung Quốc vào năm 2015. Tiếp theo đó, Walmart tiếp tục thực hiện hàng loạt thương vụ mua lại các trang thương mại điện tử khác, tiêu biểu như Jet.com (trị giá 3 tỷ USD), Shoes.com, Moosejaw, Bonobos, Eloquii, Bare N Needities (Thời trang), Parcel (Giao hàng), Cornerstone (Giao hàng) và Flipkart.

Không chỉ vậy, Walmart mạnh tay đầu tư 11.7 tỷ USD cho chuyển đổi số vào năm 2018, trở thành một trong ba tập đoàn đầu tư vào công nghệ mạnh nhất thế giới, chỉ sau Amazon và Alphabet tại thời điểm đó. Gã khổng lồ bán lẻ còn tuyển dụng 3700 nhân viên kỹ thuật trong 2 năm 2018 – 2019.

Chiến lược chuyển đổi số của Walmart làm thay đổi toàn bộ quy trình kinh doanh, từ nâng cấp chuỗi cung ứng, quản lý hàng tồn kho, đến giao và bán hàng trực tuyến để tối ưu trải nghiệm khách hàng. Trong đó, tiêu biểu nhất, phải kể đến việc ứng dụng blockchain vào quản trị chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Walmart áp dụng blockchain theo dõi nguồn gốc hàng hóa

Vào năm 2018, có ít nhất 18 đợt bệnh bùng phát do thực phẩm gây ra tại Mỹ, điển hình như việc rau diếp bị nhiễm khuẩn E.Coli dẫn đến bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Thực phẩm được bày bán ở siêu thị thường đảm bảo vệ sinh an toàn, tuy nhiên, không có gì là tuyệt đối.

Khi xuất hiện ngộ độc thực phẩm hay dịch bệnh lây lan qua đường tiêu hóa, sẽ mất đến vài ngày, và thậm chí vài tuần để điều tra nguyên nhân. Chính vì thế, việc xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc tiên tiến và minh bạch là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, cho phép các doanh nghiệp phản ứng và giải quyết vấn đề nhanh chóng, đồng thời bảo vệ kế sinh nhai cho người nông dân.

Hiểu được vấn đề này, Walmart đã luôn đặt trọng tâm vào tính minh bạch của hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu đã tiếp cận nhiều giải pháp cho sự minh bạch của chuỗi cung ứng, nhưng tất cả đều không đạt kết quả như mong đợi, cho tới khi công nghệ blockchain được đề cập đến. Walmart đã trải nghiệm một vài công nghệ blockchain trước khi quyết định hợp tác với IBM và lựa chọn nền tảng hệ thống mã nguồn mở blockchain Hyperledger Fabric để theo dõi nguồn gốc và bảo dưỡng thực phẩm như thịt heo từ Trung Quốc và xoài từ Mexico.

Với Walmart, những cách làm truyền thống đã đi vào lối mòn. Ứng dụng công nghệ chuỗi khối sẽ là một bước đột phá, thay đổi cả hệ thống thực phẩm, đem lại lợi ích cho khách hàng lẫn các cổ đông của họ.

Trong tương lai, ngoài ứng dụng chuỗi khối, Walmart còn yêu cầu các nhà cung ứng tham gia Sáng kiến An toàn Thực phẩm Toàn cầu (Global Food Safety Initiative). Đây đã và đang được xem là những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trên toàn thế giới.

Leave a Reply

Your email address will not be published.