Các ứng dụng của blockchain thúc đẩy ngành công nghiệp

Công nghiệp 4.0 là sự kết hợp của các công nghệ mới nhất được áp dụng vào sản xuất giúp các nhà sản xuất đạt được kết quả mong muốn nhanh hơn. Trong đó, blockchain là một trong những công nghệ nhờ vào những ưu điểm nổi trội, đã tạo nên một mạng vật lý mạng thông minh, vô cùng linh hoạt. Dưới đây, một số đóng góp thiết thực của blockchain vào công cuộc phát triển ngành công nghiệp

1. Blockchain và các ứng dụng trong thực tiễn

Thực phẩm

Những vấn đề gần đây trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đặt ra những thách thức nhằm đảm bảo hàng hóa và các nguyên vật liệu đều có nguồn gốc an toàn. Để giải quyết những vấn đề này, ngày càng nhiều công ty tìm kiếm các giải pháp dựa trên công nghệ blockchain.

Vào ngày 25 tháng 6 năm 2019, Walmart Trung Quốc đã công bố kế hoạch phân phối sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng bằng cách sử dụng nền tảng truy xuất nguồn gốc được xây dựng trên blockchain Thor của VeChain. Nền tảng mới này cho phép người tiêu dùng tra cứu được thông tin chi tiết về sản phẩm bằng cách quét mã QR. Các thông tin bao gồm nguồn gốc sản phẩm và vị trí địa lý tiếp nhận sản phẩm của Walmart, quy trình hậu cần, các báo cáo thanh tra sản phẩm của Walmart,…

Trọng tâm hoạt động của nền tảng này là khả năng truy xuất nguồn gốc các thực phẩm tươi đóng gói. Trong năm 2020, 50% thịt tươi đóng gói, 40% rau đóng gói và 12,5% toàn bộ các sản phẩm thủy sản bán ra đã truy xuất được nguồn gốc. “Walmart Trung Quốc đã liên tục đầu tư vào chuỗi giá trị tổng thể và sử dụng các giải pháp số để cải thiện hiệu quả và tính minh bạch, mang đến hàng hóa và dịch vụ có chất lượng cao cho khách hàng”, giám đốc đối ngoại Shi Jiaqi của Walmart Trung Quốc cho hay. “Từ khâu thu mua nguyên liệu và chiến lược sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng, bảo quản và quản lý vận hành nền tảng thương mại điện tử, các giải pháp số được ứng dụng để giúp cuộc sống của những người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng bận rộn được tốt hơn”.

Trang sức, đá quý

Năm 2003, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thành lập Chương trình chứng nhận quy trình Kimberley (KPCS). Luật mới này giúp tăng tính minh bạch trong ngành công nghiệp kim cương và hạn chế sự lưu thông của kim cương máu. Kim cương máu là những viên kim cương được khai thác trong các khu vực chiến tranh và được bán để tài trợ cho các cuộc xung đột, chiến tranh và đem lại lợi nhuận cho các các công ty kim cương trên khắp thế giới. 

Mặc dù KPCS đã nhận được sự chấp nhận của hơn 80 quốc gia kể từ khi thành lập, nhưng chương trình đã nhận được sự chỉ trích đáng kể vì không đạt được mục tiêu. Vào tháng 12 năm 2011, Tổ chức phi chính phủ (NGO) đã từ bỏ KPCS.

Vào tháng 5 năm 2015, doanh nhân người Úc Leanne Kemp đã thành lập Everledger – một cơ quan đăng ký kỹ thuật số cho kim cương được cung cấp bởi Nền tảng blockchain của IBM. Nhiệm vụ của cơ quan này là để Everledger đánh giá kim cương bằng cách sử dụng các báo cáo chấm điểm do Viện Đá quý Hoa Kỳ cung cấp.

Năm 2018, De Beers Group – tập đoàn quốc tế khai thác và kinh doanh kim cương, tuyên bố rằng họ sẽ phát triển một nền tảng truy xuất nguồn gốc dựa trên blockchain với tên gọi là Tracr, nền tảng sẽ tìm cách theo dõi chuỗi cung ứng kim cương từ mỏ đến cửa hàng bán lẻ. Cuối năm 2018, Tập đoàn Trang sức Chow Tai Fook và Alrosa – công ty khai thác kim cương thuộc sở hữu nhà nước của Nga, tuyên bố rằng họ đã tham gia vào nền tảng Tracr.

Vào tháng 1 năm 2019, hãng truyền thông Tass do nhà nước Nga hậu thuẫn cho biết:  Bộ Giáo dục và Khoa học Nga đã giới thiệu một nền tảng dựa trên công nghệ sổ cái phân tán DTL (Distributed Ledger Technology) để theo dõi và đảm bảo tính xác thực của các sản phẩm kim cương tự nhiên trên toàn chuỗi cung ứng. Nền tảng được phát triển bởi công ty khởi nghiệp Bitcarat của Nga, với mỗi viên kim cương được cấp một mã số duy nhất và mã số đấy được ghi vào sổ cái phân tán. Sổ cái cũng ghi lại lịch sử chuyển nhượng quyền sở hữu trước đây liên quan đến kim cương được theo dõi.

Chứng khoán

Nhiều nhà phân tích tài chính dự đoán rằng, token chứng khoán – STO (Security Token Offerings) sẵn sàng thúc đẩy một cuộc cách mạng trong quy trình gây quỹ. Trong quý đầu tiên của năm 2019, công ty nghiên cứu thị trường Inwara ước tính rằng số lượng token chứng khoán STO đã tăng 130% so với Q4 năm 2018.

Trong tháng 8 năm 2018, một nhà bán lẻ trực tuyến overstock.com, đã huy động được 134 triệu đô la trong đợt ICO thông qua bán token chứng khoán của mình có tên gọi là tZero. 

Nghệ thuật

Nghe có vẻ lạ nhưng thực tế trong những năm gần đây, lĩnh vực nghệ thuật đang ứng dụng công nghệ blockchain ngày càng nhiều. Vào tháng 7 năm 2018, nền tảng DLT Maecenas đã hợp tác với phòng trưng bày Dadiani Fine Art ở Luân Đôn để bán token ảo đại diện cho quyền sở hữu một phần của một tác phẩm nghệ thuật. Việc mở bán này đã huy động được khoảng 5,6 triệu đô la.

Bất động sản

Với việc ứng dụng rộng rãi của blockchain trong các ngành công nghiệp, thật khó để tìm thấy một phân khúc thị trường không bị ảnh hưởng bởi công nghệ này. Bất động sản cũng không ngoại lệ. Trước đây, việc giao dịch các tài sản có giá trị cao như bất động sản không được thực hiện thường xuyên thông qua các kênh kỹ thuật số. Các giao dịch bất động sản thường được giải quyết trực tiếp với các đơn vị khác nhau. Tuy nhiên, blockchain đã làm thay đổi điều này.

Sự ra đời của các hợp đồng thông minh trong các nền tảng blockchain giúp bất động sản được mã hóa và được giao dịch giống với các loại tiền điện tử. Blockchain giới thiệu những phương thức mới tạo điều kiện cho các nền tảng giao dịch và thị trường trực tuyến hỗ trợ giao dịch bất động sản toàn diện hơn, tạo ra tính phi tập trung, có tính thanh khoản và minh bạch về chi phí. Việc triển khai công nghệ blockchain trong ngành bất động sản làm tăng tốc độ của quá trình vận chuyển và loại bỏ nhu cầu trao đổi tiền.

Quản lý đất đai

Tính bất biến và minh bạch của sổ cái phân tán cung cấp một giải pháp hữu hiệu cho cơ quan đăng ký đất đai tại các quốc gia phát triển và đang phát triển. Nhiều quốc gia đang phát triển phải chịu các vấn đề liên quan đến việc quản lý các cơ quan đăng ký đất đai, đặc biệt là các quốc gia đấu tranh với tham nhũng hoặc những quốc gia đã trải qua những thay đổi chế độ trong lịch sử gần đây. Do đó, thường có những tuyên bố về quyền sở hữu đối với đất đai với những bằng chứng tài liệu thô như ghi chú viết tay.

Thanh toán xuyên biên giới

Ngân hàng Canada (BoC) và Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã thử nghiệm về thanh toán xuyên biên giới bằng cách sử dụng các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương trên nền tảng blockchain.

Tháng 6 năm 2019, công ty công nghệ tài chính Fnality International đã thông báo dự án tiền điện tử Utility Settlement Coin (USC) đã huy động được 63,2 triệu đô la trong vòng tài trợ Series A. Dự án USC bao gồm nỗ lực của 14 công ty tài chính Banco Santander, BNY Mellon, Barclays, CIBC, Commerzbank, Credit Suisse, ING, KBC Group, Lloyds Bank Group, MUFG Bank, Nasdaq, Sumitomo Mitsui Bank, UBS để cùng nhau phát triển token kỹ thuật số phục vụ thanh toán xuyên biên giới.

Công nghệ blockchain mang đến những cơ hội chưa từng có để tăng cường hiệu quả và tính minh bạch của các hệ thống phức tạp trên toàn cầu. Từ cách giao dịch xuyên biên giới đến những hoạt động hàng ngày trong cuộc sống. Tuy nhiên, các ví dụ trên chỉ là một trong số ít các ứng dụng của công nghệ blockchain. Với những ưu điểm vượt trội, trong tương lai không xa, blockchain sẽ được ứng dụng trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

————————————————

Brain Hub – Think Out Of The Block

📩 Email: enquiry@brainhub.com.vn

🎗️Fanpage: https://www.facebook.com/BrainhubVNOfficial

📎 Linkedin: https://www.linkedin.com/company/brain-hub-viet-nam/

#BrainhubVietnam #Blockchain #blockchainforbusiness #blockchaineducation #NFT #metaverse #Tech #DigitalTransformation #SharkTank #SharkTankForum

Leave a Reply

Your email address will not be published.