Tại sao blockchain lại quan trọng đối với các doanh nghiệp?

Walmart đã giảm thời gian theo dõi thực phẩm từ các kệ hàng đến trang trại từ bảy ngày xuống còn 2,2 giây bằng cách ứng dụng công nghệ blockchain

Theo Công ty nghiên cứu Statista; năm 2021, chi tiêu toàn cầu cho các giải pháp blockchain ​​đạt 6,6 tỷ đô la với tỷ lệ tăng trưởng kép trong 5 năm là 48% mỗi năm. Đồng nghĩa sẽ có gần 19 tỷ USD đổ vào thị trường này trong năm 2024.

Dòng tiền đổ vào thị trường giải pháp blockchain sẽ còn tiếp tục tăng, phần nào thể hiện tiềm năng của giải pháp công nghệ bền vững giúp liên kết đa lĩnh vực và tạo đòn bẩy cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trong tương lai. Tiềm năng này được thể hiện rõ khi CB Insights công bố báo cáo cho thấy số vốn đầu tư vào các startup giải pháp blockchain chỉ riêng trong quý 1/2021 đạt 2,6 tỷ USD, qua mặt tổng số vốn đầu tư của cả năm 2020 là 2,3 tỷ USD.

Mặc dù công nghệ blockchain đang nhanh chóng đạt được sức hút, nhưng theo một cuộc khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp Chuỗi khối Toàn cầu được báo cáo trên Cointelegraph, phần lớn các giám đốc điều hành cấp cao (63%) vẫn không biết nó là gì hoặc tại sao nó lại quan trọng.

Vậy hãy cùng nhau tìm hiểu blockchain là gì và lí do vì sao đây là giải pháp quan trọng với các doanh nghiệp trong làn sóng Công nghiệp 4.0. 

1. Blockchain là gì và vận hành như thế nào?

Blockchain là một mạng lưới phi tập trung hoạt động như một sổ cái phân tán lưu trữ và bảo vệ dữ liệu kỹ thuật số và bản ghi kỹ thuật số. Là một sổ cái có tính chất phi tập trung, nơi nhiều bên có thể truy cập cùng một lúc, một trong những ưu điểm chính là dữ liệu được ghi lại rất khó thay đổi hoặc sửa đổi. 

Công nghệ này có thể giúp xác minh và theo dõi các giao dịch từ nhiều bên tham gia vào một giao dịch cần bảo mật và minh bạch.

Blockchain có thể cung cấp các giao dịch an toàn, giảm chi phí hoạt động và tăng tốc độ xử lý truyền dữ liệu. Blockchain cũng có thể giúp quản lý hợp đồng và kiểm toán chuỗi cung ứng. Blockchain có thể được sử dụng trong các nền tảng bỏ phiếu điện tử và quản lý chứng khoán, cổ phiếu.

Ví dụ, để có thể nhanh chóng truy tìm nguồn gốc của rau diếp, một bản ghi kỹ thuật số của từng lô sản phẩm có thể được thêm vào một chuỗi khối. Các dữ liệu về nhiệt độ và độ ẩm sẽ được ghi lại thông qua thiết bị Internet vạn vật (IoT) trong quá trình vận chuyển. 

Một dữ liệu mới sẽ được thêm vào khi rau diếp đến nhà máy chế biến, đơn vị sẽ xác nhận nguồn gốc của rau diếp và quá trình chế biến. Từ đó, hệ thống blockchain sẽ theo dõi rau diếp đến cơ sở đóng gói. Thông tin sẽ được xác minh và chuyển đến nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, họ sẽ đóng dấu phê duyệt và sau đó chuyển đến phân phối và chuyển đến các cửa hàng bán lẻ. Tại mỗi thời điểm, một khối dữ liệu sẽ được xác thực và thêm vào blockchain.

2. Những lợi ích tuyệt vời của Blockchain 

Giảm chi phí

Lợi thế quan trọng nhất của blockchain là giảm chi phí hoạt động. 

Bằng cách loại bỏ nhiều bước trung gian, blockchain cho phép các công ty theo dõi các sản phẩm và giao dịch của họ nhanh chóng và dễ dàng. Theo Jason Kelley, giám đốc bộ phận blockchain tại IBM cho biết Walmart đã giảm thời gian theo dõi thực phẩm từ các kệ hàng đến trang trại từ bảy ngày xuống còn 2,2 giây bằng cách ứng dụng công nghệ blockchain. Việc ứng dụng công nghệ này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn tiết kiệm chi phí đáng kể.

Bảo mật nâng cao

Dữ liệu của người dùng vô cùng nhạy cảm và quan trọng, blockchain tác động mạnh mẽ đến cách quản lý thông tin của chúng ta. Bằng cách tạo ra một bản ghi không thể thay đổi và được mã hóa, blockchain giúp ngăn chặn những hoạt động gian lận và trái phép. Các vấn đề về quyền riêng tư cũng có thể được giải quyết bằng công nghệ blockchain với việc ẩn danh dữ liệu cá nhân và ngăn truy cập trái phép. Thông tin được lưu trữ trên một mạng máy tính chứ không phải một máy chủ duy nhất, điều này gây khó khăn cho tin tặc trong việc xem dữ liệu riêng tư.

Tính minh bạch được đảm bảo

Nếu không có blockchain, mỗi tổ chức phải lưu trữ một cơ sở dữ liệu riêng biệt. Bởi vì blockchain sử dụng một sổ cái phân tán, các giao dịch và dữ liệu giống nhau được ghi lại ở nhiều vị trí. Tất cả những người tham gia mạng dữ liệu được cấp quyền truy cập đều nhìn thấy thông tin cùng một lúc và các thông tin đều có đầy đủ tính minh bạch. Tất cả các giao dịch là bất biến và được ghi lại ngày và giờ. Điều này cho phép các thành viên xem toàn bộ lịch sử của giao dịch và hầu như loại bỏ mọi cơ hội gian lận.

Truy xuất nguồn gốc tức thì

Blockchain tạo ra một bản ghi giao dịch để lưu lại thông tin nguồn gốc về tài sản trong hành trình của nó. Điều này cực kỳ hữu ích với các ngành hàng mà người tiêu dùng lo ngại về vấn đề môi trường hoặc lo sợ về hàng gian, hàng giả thì công cụ blockchain có thể cung cấp các bằng chứng cần thiết. Với blockchain, có thể chia sẻ dữ liệu về xuất xứ trực tiếp với khách hàng. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc cũng có thể cho thấy những điểm yếu trong bất kỳ chuỗi cung ứng nào chẳng hạn như nơi hàng hóa được lưu trữ để chờ quá cảnh.

Tăng hiệu quả và tốc độ

Các quy trình truyền thống thường tốn nhiều giấy tờ, thời gian và con người nên thường nhờ đến sự xác minh của bên thứ ba. Bằng cách tối ưu hóa các quy trình này với blockchain, các giao dịch có thể được hoàn thành nhanh hơn và hiệu quả hơn. Tài liệu có thể được lưu trữ trên blockchain cùng với các chi tiết giao dịch, loại bỏ nhu cầu trao đổi giấy tờ. Vì không cần phải điều chỉnh nhiều sổ cái, việc thanh toán có thể nhanh hơn nhiều.

Tự động hóa

Các giao dịch thậm chí có thể được tự động hóa với hợp đồng thông minh, giúp tăng hiệu quả của người dùng và đẩy nhanh quá trình thực hiện. Khi các điều kiện được chỉ định trước được đáp ứng, bước tiếp theo trong giao dịch hoặc quy trình sẽ tự động được kích hoạt. Hợp đồng thông minh giảm bớt sự can thiệp của con người cũng như sự phụ thuộc vào bên thứ ba để xác minh rằng các điều khoản của hợp đồng đã được đáp ứng. Trong bảo hiểm, ví dụ, một khi khách hàng đã cung cấp tất cả các tài liệu cần thiết để nộp đơn yêu cầu bồi thường thì có thể tự động được giải quyết và thanh toán.

3. Vì sao Blockchain quan trọng đối với doanh nghiệp? 

Lĩnh vực kinh doanh là lĩnh vực có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​blockchain. Việc triển khai blockchain cho người dùng không phải là một công việc dễ dàng. Công nghệ này cần được quản lý riêng biệt bởi một đội ngũ có chuyên môn cao, điều này làm cho blockchain trở thành một công cụ kinh doanh lý tưởng cho các công ty có đủ khả năng tài chính để quản lý giao thức blockchain của riêng mình.

Blockchain trong kinh doanh có thể giảm chi phí hoạt động bằng cách loại bỏ tất cả các bên trung gian hoặc các đối tác kinh doanh không cần thiết, vì nó không chỉ giảm chi phí và lưu trữ hồ sơ mà còn có thể giảm thời gian trao đổi thông tin – nâng cao hiệu quả trong việc trao đổi thông tin.

Có thể thấy rằng lĩnh vực tài chính được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​công nghệ mới nổi này. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác có khả năng được chuyển đổi nhờ những đặc điểm ưu việt của blockchain bao gồm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, giao thông vận tải, bất động sản, bán lẻ, năng lượng, nông nghiệp,…

Bởi vì đây là một công nghệ có tính minh bạch và an toàn nên ngành tài chính ngân hàng có thể là những lĩnh vực mà công nghệ này được áp dụng rộng rãi. Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số có lợi thế lớn nhất khi nói đến hợp đồng thông minh. Bằng cách ứng dụng blockchain, các ngân hàng có thể giảm đáng kể chi phí liên quan đến việc duy trì tài khoản ngân hàng và các giao dịch tài chính.

Hơn nữa, blockchain sẽ được ứng dụng với đa dạng ngành nghề hơn như thị trường vốn, thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, công ty bảo hiểm, bán hàng và tài trợ thương mại. Thanh toán và chuyển tiền trong nước và quốc tế cũng sẽ giành được các lợi thế trong kinh doanh bao gồm:

Tính xác thực: Với blockchain, các tổ chức tài chính có thể mang lại tính toàn vẹn và bảo mật cho dữ liệu đồng thời đảm bảo tính xác thực trong hệ thống của họ.

Quy trình đơn giản hóa: blockchain có thể cải thiện hiệu quả hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào trong xã hội, bao gồm khả năng thực hiện quyết toán, báo cáo và kiểm toán hoàn chỉnh và minh bạch trong thời gian thực.

Các khả năng khác của blockchain có thể kể đến như bảo mật dữ liệu tốt hơn, chi phí cơ sở hạ tầng và chi phí giao dịch ít hơn, gia tăng tính bảo mật, v.v. 

Các công ty đang chú ý đến những lợi ích kinh doanh mà blockchain mang lại và có sự đón nhận vô cùng rộng rãi. Công nghệ blockchain thể hỗ trợ các dịch vụ từ sản xuất đến chăm sóc sức khỏe, chuỗi cung ứng và hơn thế nữa.

Ví dụ, bang Tây Virginia đã sử dụng công nghệ bỏ phiếu vắng mặt điện tử thông qua một ứng dụng di động trên 30 quốc gia khác nhau. Do đó, các thành viên trong quân đội và gia đình của họ khi ở nước ngoài có thể được đảm bảo quyền lợi trong việc đưa ra ý kiến của mình .

Chiến lược blockchain Dubai (Dubai Blockchain Strategy) của hai tổ chức Smart Dubai và Dubai Future Foundation là một sáng kiến nhằm hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hạnh phúc nhất thế giới” của Dubai, trong khi tiếp tục khai thác các tiến bộ công nghệ mới để mang đến trải nghiệm dễ chịu, hiệu quả cho công dân.

Nhờ Chiến lược blockchain Dubai, một hệ sinh thái blockchain đã được thiết lập nhằm đưa Dubai thành “đô thị blockchain” toàn cầu.

Vermont – một tiểu bang ở vùng New England của Hoa Kỳ đang thực hiện một chương trình thử nghiệm để cho phép các công ty bảo hiểm đăng ký và nộp các tài liệu theo yêu cầu của nhà nước bằng cách áp dụng công nghệ blockchain.

Các ngành công nghiệp khác cũng được hưởng lợi. NASA đang xem xét việc ứng dụng blockchain để đảm bảo dữ liệu chuyến bay của máy bay là đáng tin cậy và an toàn. Các trường hợp sử dụng khác có thể bao gồm xử lý thanh toán, bảo vệ bản quyền, sao lưu dữ liệu đáng tin cậy, lưu trữ hồ sơ, chuyển nhượng quyền sở hữu, thậm chí cả quy định và tuân thủ thuế.

Kết luận

Có thể nhận thấy rằng, công nghệ blockchain ngày càng trở nên quan trọng đối với xã hội của chúng ta. Với sự phát triển vượt bậc của mình, đây là thời điểm vàng khi hầu hết các doanh nghiệp và ngành công nghiệp bắt đầu áp dụng hệ thống dựa trên blockchain.

————————————————

Brain Hub – Think Out Of The Block

📩 Email: enquiry@brainhub.com.vn

🎗️Fanpage: https://www.facebook.com/BrainhubVNOfficial

📎 Linkedin: https://www.linkedin.com/company/brain-hub-viet-nam/

#BrainhubVietnam #Blockchain #blockchainforbusiness #blockchaineducation #NFT #metaverse #Tech #DigitalTransformation #SharkTank #SharkTankForum

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.